THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG CỦA TW HỘI GIÁO DỤC CSSKCĐ VIỆT NAM
HUYỆT ĐẠO GIÚP CẢI THIỆN VẤN ĐỀ TIÊU HOÁ NGÀY TẾT
Thứ năm - 25/01/2024 21:59
Để giữ được sức khoẻ, khuôn mặt tươi tắn, cơ thể nhẹ nhõm sảng khoá trong những ngày Tết bận bịu, mỗi người chúng ta nên bỏ túi một số cách chăm sóc sức khoẻ bằng huyệt đạo của Y học cổ truyền. Vì sao lại cần thiết? Bởi vì phương pháp sử dụng huyệt đạo dễ làm, dễ thực hiện, rất an toàn, có thể chủ đông làm cho bản thân hoặc làm cho người thân, bạn bè gần như bất cứ lúc nào
Ngày Tết luôn luôn là những ngày vui với nhiều tiếng cười, câu trúc và những bữa tiệc lớn nhỏ bởi vì nếu không ăn uống, không vui tươi, không rôm rả thì làm gì còn không khí Tết nữa. Trong không khí Tết, việc ăn uống nhiều loại đồ ăn, ăn nhiều hơn bình thường, ăn quá mức bình thường là điều rất thường gặp, nó cũng là lẽ thường tình bởi vì với những người bạn lâu không gặp, những câu chuyện lâu không kể, những kỷ niệm đợi cả năm mới được ôn lại... thì luôn kèm theo những cảm xúc đặc biệt, và những cảm xúc, tình cảm đó sẽ góp phần làm cho chúng ta ăn uống thú vị hơn, ăn được nhiều hơn. Tất nhiên, ăn nhiều hơn một chút, uống nhiều hơn một chút, thức khuya hơn một chút cũng không có vấn đề gì trong những ngày Tết bởi vì những điều đó sẽ trở thành chất xúc tác góp phần khơi tạo bầu không khí hạnh phúc, sự vui tươi, sự ấm cúng trong tâm hồn mỗi người. Để giữ được sức khoẻ, khuôn mặt tươi tắn, cơ thể nhẹ nhõm sảng khoá trong những ngày Tết bận bịu, mỗi người chúng ta nên bỏ túi một số cách chăm sóc sức khoẻ bằng huyệt đạo của Y học cổ truyền. Vì sao lại cần thiết? Bởi vì phương pháp sử dụng huyệt đạo dễ làm, dễ thực hiện, rất an toàn, có thể chủ đông làm cho bản thân hoặc làm cho người thân, bạn bè gần như bất cứ lúc nào. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về một số huyệt đạo nổi tiếng, có tác dụng cải thiện sức khoẻ toàn diện nói chung và đặc biệt là giúp cải thiện hoạt động của hệ tiêu hoá nói riêng. Nếu mỗi ngày chúng ta bỏ ra khoảng 5-10 phút tác động vào những huyệt đạo này chắc chắn sẽ thấy cơ thể sảng khoái, bụng dạ nhẹ nhàng, ăn uống ngon miệng, ngủ sâu giấc hơn và đương nhiên sẽ có thể tận hưởng những ngày Tết theo cách tuyệt vời nhất. Vậy huyệt đạo là gì và tại sao chỉ cần bỏ ra 5-10 phút lại có thể cảm thấy sự thoải mái dễ chịu như vậy?Huyệt đạo (còn gọi là Huyệt vị) là những điểm đặc biệt trên cơ thể được các nhà Y học cổ đại tìm ra từ hàng nghìn năm trước đây. Huyệt đạo có thể được ví như là những "thảo dược tự nhiên" tồn tại trên cơ thể con người từ khi sinh ra, có tổng cộng 361 huyệt đạo cổ truyền có vị trí rõ ràng trên 14 đường kinh mạch chính, vì thế nếu biết cách tác động đúng phương pháp vào những huyệt đạo này chúng ta có thể hoàn toàn chủ động tạo ra được rất nhiều loại thuốc tự nhiên giúp cải thiện sức khoẻ cho chính cơ thể mình. Ngày nay, nhận thấy rõ vai trò to lớn của hệ thống Huyệt đạo với sức khoẻ con người trên toàn cầu, WHO - Tổ chức y tế thế giới đã xuất bản tài liệu chính thức về Huyệt đạo. Huyệt đạo cải thiện sức khoẻ và tiêu hoá ngày Tết số 1: Huyệt Đản trung
Đôi nét về tác dụng của huyệt: huyệt Đản trung có tác dụng cải thiện tâm lý, tâm trạng, tạo ra thự thoải mái, dễ chịu về cảm xúc, tinh thần. Nó còn giúp xua tan những cảm xúc khó chịu, làm dịu sự bực bội, căng thẳng... chính vì tác dụng cải thiện trạng thái tinh thần này mà huyệt Đản trung sẽ giúp cải thiện khả năng tiêu hoá một cách sâu sắc. Vị trí: ở giữa ngực, là trung điểm của đường nối 2 núm vú ở nam giới như trong đồ hình, khi sử dụng huyệt Đản trung trong thực tế cho cả nam và nữ, chúng ta chỉ cần tác động vào vùng huyệt Đản trung là đã có tác dụng tốt rồi. Cách sử dụng: day tròn bằng nắm tay hoặc gốc bàn tay.
Huyệt đạo cải thiện sức khoẻ và tiêu hoá ngày Tết số 2: Huyệt Hợp cốc
Đôi nét về huyệt Hợp cốc: huyệt đạo này nằm trên đường kinh Đại trường, nó được ví như tủ thuốc gia đình bởi vì nếu tác động thường xuyên vào huyệt này sẽ tạo ra được rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ như giảm đau nhức, cải thiện chức năng đại tràng, giảm viêm nhiễm, làm đẹp da mặt, giảm nhức đầu, giúp cải thiện tuần hoàn vùng đầu mặt... Vị trí: Ở bờ ngoài, giữa xương bàn ngón tay trỏ Sử dụng huyệt: dùng đầu ngón tay cái thực hiện day bấm huyệt, làm từng bên một. Huyệt đạo cải thiện sức khoẻ và tiêu hoá ngày Tết số 3: Huyệt Túc tam lý
Đôi nét về huyệt Túc tam lý: “Túc” có nghĩa là chân “tam” có nghĩa là 3 “lý” có nghĩa là dặm hoặc thốn, tên gọi có ý là “bấm huyệt giúp đi 3 dặm không thấy mỏi chân”. Cách đặt tên ẩn dụ như vậy, có lẽ bắt nguồn từ việc các nhà y học cổ đại đã phát hiện ra khả năng cải thiện sức khoẻ tổng thể và nâng cao thể trạng, cải thiện khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của huyệt đạo đặc biệt này. Vị trí: dưới mắt gối ngoài 3 thốn, phía ngoài xương mác chừng 1 khoát ngón tay Xác định huyệt dựa trên đồ hình và cảm nhận: trên thực tế bạn có thể tự mình tìm ra vị trí của huyệt Túc tam lý bằng cách quan sát cẩn thận đồ hình bên trên rồi dùng đầu ngón tay cái hoặc ngón giữa ấn vào vị trí của huyệt. Khi ấn với lực đủ mạnh bạn sẽ có cảm giác căng tức nơi vùng huyệt, kèm theo là cảm thấy có "một đường tê tê" chạy từ vị trí của huyệt xuống dưới mu bàn chân. Sử dụng 3 huyệt trong thực tế:
Lựa chọn huyệt: hãy dùng cả 3 huyệt đạo này trong 1 lần thực hành để đảm bảo giá trị của bộ huyệt được phát huy tốt nhất
Xác định vị trí của Huyệt: sử dụng sơ đồ vị trí huyệt
Kĩ thuật tác động lên huyệt: ấn thẳng vào huyệt và giữ tối thiểu 1 phút/1 huyệt, giữ 2-3 phút/1 huyệt sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Riêng với huyệt Đản trung chúng ta nên sử dụng nắm tay hoặc gốc bàn tay thì sẽ dễ dàng hơn.
Lực bấm: cần tạo ra cảm giác bấm rõ ràng tại huyệt vị, nếu bấm quá nhẹ sẽ có ít tác dụng, nếu bấm quá mạnh làm đau quá sức chịu đựng cũng sẽ không cho nhiều tác dụng hơn.
Thời gian làm: tổng thời gian bấm cả 3 huyệt không nên quá 15 phút
Kết hợp với thuốc và liệu pháp khác: hãy coi bộ 3 huyệt này như là phương pháp dưỡng sinh, phòng bệnh chủ động, trong trường hợp cần sự can thiệp chuyên sâu thì hãy đến cơ sở y tế.
Tư tế và cảm nhận tăng hiệu quả: có thể thực hành bấm 3 huyệt trong tư thế ngồi, nằm ngửa. Muốn có hiệu quả cao khi bấm huyệt cần ở trong trạng thái thoải mái, dễ chịu, thư giãn.
Hơi thở sâu: để giúp việc giảm đau hiệu quả hơn, nên kết hợp với hơi thở chậm sâu đều khi bấm huyệt.
Số lần làm: ngày tối thiểu làm 1 lần, hoàn toàn có thể nhiều hơn vì liệu pháp huyệt đạo rất an toàn, mỗi lần cách nhau 2-3 tiếng.
Tác giả bài viết: Bs CKI Lê Hải – Trung tâm CSSK VMC Việt Nam